Binh lực và ý đồ tác chiến của các bên Chiến_dịch_Cái_Vòng_(1943)

Quân đội Liên Xô

Binh lực

Trung tướng K.K.Rokossovsky, tư lệnh Phương diện quân Sông Đông
  • Phương diện quân Sông Đông do Trung tướng K.K.Rokossovsky làm tư lệnh, Thiếu tướng M. S. Malinin làm tham mưu trưởng; các ủy viên hội đồng quân sự: Chính ủy lữ đoàn A. I. Kirichenko (đến tháng 12-1942), thiếu tướng K. F. Teleghin (từ tháng 12-1942). Trong biên chế có:
    • Tập đoàn quân 21 của thiếu tướng I. M. Chischiakov gồm có:
      • Các sư đoàn bộ binh 70, 76, 95, 174, 227, 293, 297 và 301;
      • Sư đoàn cơ giới 8 (NKVD);
      • Lữ đoàn xe tăng 10;
      • Lữ đoàn cơ giới 1;
      • Tiểu đoàn xe tăng độc lập 8;
      • Quân đoàn xe tăng 4 (phối thuộc);
    • Tập đoàn quân 24 của Trung tướng I. B. Galanin, gồm có:
      • Các sư đoàn bộ binh 173, 207, 214, 221, 233, 285, 260, 273, 292 và 298;
      • Lữ đoàn xe tăng 217;
      • Quân đoàn xe tăng 26 (phối thuộc);
    • Tập đoàn quân 65 của tướng P. I. Batov, gồm có:
      • Các sư đoàn bộ binh cận vệ 4 và 40;
      • Các sư đoàn bộ binh 23, 24, 304 và 321;
      • Các lữ đoàn xe tăng 5 và 133.
      • Lữ đoàn pháo chống tăng 3;
    • Tập đoàn quân 66 của Trung tướng A. S. Zhadov, gồm có:
      • Các sư đoàn bộ binh 49, 64, 120, 231, 299;
      • Các lữ đoàn xe tăng 10, 69, 148 và 246.
      • Trung đoàn pháo binh 527.
  • Cánh phải của Phương diện quân Stalingrad do Thượng tướng A.I.Yeryomenko làm tư lệnh, Thiếu tướng N. D. Nikishev làm tham mưu trưởng, N. S. Khrushchyov làm ủy viên hội đồng quân sự; tham gia Chiến dịch Cái Vòng có các đơn vị:
    • Tập đoàn quân 62 của Trung tướng V. I. Chuikov, gồm có:
      • Các sư đoàn bộ binh cận vệ 33 và 35;
      • Các sư đoàn bộ binh 131, 147, 181, 184, 192, 196 và 399;
      • Quân đoàn xe tăng 23;
      • Các trung đoàn pháo binh 508 và 555.
    • Tập đoàn quân 64 của Trung tướng M. S. Sumilov, gồm có:
      • Các sư đoàn bộ binh 18, 29, 112, 131, 214 và 229;
      • Các lữ đoàn hải quân đánh bộ 66 và 154;
      • Các lữ đoàn xe tăng 40 và 137;
      • Lữ đoàn pháo chống tăng 4;
      • Các trung đoàn pháo binh 28 và 76.
    • Thê đội 2 của Tập đoàn quân 57 của Thiếu tướng F. I. Tolbukhin, gồm có:
      • Các sư đoàn bộ binh cận vệ 14, 48 và 58;
      • Các sư đoàn bộ binh 18, 52, 113 và 303;
      • Các lữ đoàn xe tăng 173 và 179;
      • Lữ đoàn pháo chống tăng 1.

Kế hoạch

Một tốp binh sĩ Xô Viết tại khu vực Stalingrad trước khi bước vào chiến dịch Cái Vòng, ngày 7 tháng 1 năm 1943

Chỉ hai ngày sau khi Chiến dịch Sao Thiên Vương kết thúc, ngày 22 tháng 11 năm 1942, Phương diện quân Sông Đông và ba tập đoàn quân trên cánh phải của Phương diện quân Stalingrad đã bắt tay vào thực hiện Chiến dịch Cái Vòng. Chiến dịch này dự kiến được tiến hành song song với Chiến dịch Sao Thổ để vừa nới rộng vòng vây bên ngoài, vừa tấn công về hướng Likhaya - Rostov nhằm cắt đứt và cô lập Cụm tập đoàn quân A tại Kavkaz; đồng thời tiêu diệt Cụm quân Đức tại Stalingrad mà theo tin tức ban đầu của trinh sát mặt trận, nó chỉ gồm khoảng từ 85.000 đến 90.000 người.[11]

Theo ý kiến của đại tướng G. K. Zhukov, muốn thanh toán cánh quân Đức đang bị vây một cách chắc chắn, trước hết cần tập trung binh lực để đánh một đòn từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng đến Bolshaya Rososhka nhằm bổ đôi cánh quân của Paulus lúc này đang tập trung tại hai hướng: trong nội đô Stalingrad (8 sư đoàn) và hướng ra phía Tây (8 sư đoàn). Các sư đoàn xe tăng và cơ giới đều bố trí ở hướng Đông Bắc và Tây Nam vòng vây. Sau khi cắt đôi cánh quân này, sẽ tập trung binh lực loại khỏi vòng chiến đấu cánh quân phía Tây trước, cánh quân phía Đông sau. Tuy nhiên, I. V. Stalin cho rằng như thế sẽ mất quá nhiều thời gian nên muốn các chỉ huy Phương diện quân Sông Đông và Stalingrad phải mở một cuộc tấn công đồng loạt từ tất cả các hướng đồng quy đến trung tâm chiến trường tại điểm cao 135 trong làng Gumrak. Ngày 20 tháng 11, khi G. K. Zhukov được giao nhiệm vụ tổ chức một cuộc tấn công tại các Phương diện quân Tây và Kalinin nhằm không cho quân Đức rút quân từ Cụm tập đoàn quân Trung tâm xuống Stalingrad, I. V. Stalin giao cho Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị một kế hoạch khác mặc dù A. M. Vasilevsky vẫn kiên trì bảo vệ quan điểm của G. K. Zhukov.[12]

Đêm 23 rạng ngày 24 tháng 11, đại tướng A. M. Vasilevsky chỉ thị cho các Phương diện quân Tây Nam, Sông Đông và Stalingrad, yêu cầu truyền đạt nhiệm vụ cho các đơn vị đang có mặt ở vòng vây phía trong. Theo kế hoạch:[13]

  • Tập đoàn quân 21 được tăng cường Quân đoàn xe tăng 4 sẽ tấn công từ Tây sang Đông;
  • Các tập đoàn quân 24 và 65 sẽ tấn công từ Kletskaya và Katsalinskaya xuống phía Nam;
  • Tập đoàn quân 66 đánh đòn bổ trợ từ Dubrovka dọc theo sông Volga xuống phía Tây Nam vào trung tâm thành phố, trợ chiến cho Tập đoàn quân 62;
  • Tập đoàn quân 57 vượt sông Rososhka tấn công từ Tây Nam lên;
  • Tập đoàn quân 62 tấn công từ bàn đạp dài 25 km, rộng 1,5 km dọc bờ phải sông Volga từ thành phố đánh ra.
  • Tập đoàn quân 64 tấn công từ hướng Đông Nam lên phối hợp với tập đoàn quân 62 chiếm lại thành phố.

Hướng chung của các mũi tiến công đều nhằm đến Gumrak, nơi đóng Sở chỉ huy cánh quân Stalingrad của thống chế Paulus.[13]

Kế hoạch ban đầu không thành công khi đem ra thực hiện. Một phần do các đơn vị quân đội Liên Xô, đặc biệt là xe tăng - thiết giáp trải qua chiến đấu dài ngày, không kịp bổ sung quân số, đạn dược, nhiên liệu và quân trang, quân dụng nên không đủ sức đột phá. Một phần do phải san sẻ lực lượng đối phó với Chiến dịch Bão Mùa đông của quân Đức. Và cuối cùng, do tin tức tình báo không chính xác, số lượng quân Đức bị vây ước tính ít hơn trên thực tế. Số quân Đức bị vây lên khoảng 275.000 đến hơn 300.000, gấp ba lần số lượng ước tính ban đầu.[11]

Cuối tháng 12 năm 1942, khi đã hoàn thành cơ bản Chiến dịch Sao Thổ và đánh bại cuộc hành quân giải vây cho Paulus, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô mới tiếp tục Chiến dịch Cái Vòng với một kế hoạch mới dưới sự chỉ huy của tư lệnh Phương diện quân Sông Đông, tướng K.K.Rokossovsky và đại diện Đại bản doanh, tướng N. N. Voronov. Kế hoạch này gồm ba bước:

  • Bước 1: Chia cắt và tiêu diệt nhóm quân Đức bị vây ở phía Tây "cái chảo" tại khu vực Kravtsov-Barbukin-Marinovka-Karpovka. Các tập đoàn quân 21, 57 và 65 tấn công hợp điểm đến Karpovka trên ngã ba sông Rososhka và sông Kapovka. Các tập đoàn quân 66 và 62 mở hai mũi tiến công mở rộng bàn đạp ở hữu ngạn sông Volga và trong khu vực thành phố. Tập đoàn quân 64 vượt sông Rososhka đánh chiếm căn cứ bàn đạp tại khu vực Kravtsov - Sklianov.
  • Bước 2: Đưa các tập đoàn quân 24 và 57 vào trận cùng với các tập đoàn quân 21, 57, 64 và 65 dồn Cụm quân Stalingrad (Đức) về phía đông đến tuyến sông Tsaritsa, kết hợp với hai tập đoàn quân 62 và 66 từ trong thành phố tiếp tục mở rộng căn cứ bàn đạp, ép quân Đức về khu vực đất thấp lầy lội ở ngoại ô phía Tây Bắc thành phố.
  • Bước 3: Tổng tấn công đánh tan hoàn toàn Cụm quân của Paulus.[12]

Quân đội Đức Quốc xã và đồng minh

Binh lực

  • Tập đoàn quân 6 (Đức) do Đại tướng Friedrich Paulus (từ ngày 30 tháng 1 là Thống chế) làm tư lệnh, đóng sở chỉ huy tại giữa cánh quân, trong làng Gumrak; biên chế còn lại gồm:
    • Quân đoàn xe tăng 40, trong biên chế còn lại sư đoàn xe tăng 3 và sư đoàn cơ giới 29;
    • Quân đoàn bộ binh 8 (Quân đoàn Breslau), trong biên chế còn đủ hai sư đoàn bộ binh 76 và 113;[14]
    • Quân đoàn bộ binh 17, trong biên chế còn lại sư đoàn bộ binh 79;
    • Quân đoàn bộ binh 51, trong biên chế còn đủ ba sư đoàn bộ binh 44, 71 và 297.
  • Các đơn vị thuộc Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức):
    • Quân đoàn xe tăng 14 gồm các sư đoàn xe tăng 14 và 24, các sư đoàn cơ giới 16 và 60;
    • Quân đoàn bộ binh 4 gồm các sư đoàn bộ binh 44, 100 và 295;
  • Thuộc tập đoàn quân 3 (Romania):
    • Sư đoàn bộ binh 86.
  • Các đơn vị Đức đến tăng viện bị lọt vào vòng vây:
    • Sư đoàn bộ binh 94;
    • Sư đoàn bộ binh 305;
    • Sư đoàn bộ binh 371;
    • Sư đoàn bộ binh 384;
    • Sư đoàn bộ binh 389.
  • Các đơn vị công binh, hậu cần, quân y, thông tin, kỹ thuật.
  • Các căn cứ không quân tại Gumrak và Potmonik, các sân bay dự bị tại Barbukin và Rynok.

Ý đồ tác chiến

Sau khi bị hợp vây trong chiến dịch Sao Thiên Vương, với lực lượng còn sung sức, tướng Paulus chưa nghĩ đến một kế hoạch phòng thủ và chuẩn bị một kế hoạch đột kích về phía Tây. Bức điện gửi về Sở chỉ huy Cụm tập đoàn quân B của Paulus ngày 24 tháng 11 năm 1942 cho thấy rõ điều đó:

Các cuộc tấn công của Quân đoàn bộ binh 4 và Sư đoàn bộ binh 76 đã bị đẩy lùi. Trong ngày, đôi khi một bộ phận lực lượng đối phương đã thành công trong việc thâm nhập vào vị trí của chúng tôi, chúng tôi không hy vọng vào việc thiết lập một tuyến phòng thủ vòng tròn vì trận tuyến phía Đông và phía Nam vừa bị vỡ chưa thể khôi phục được, nhóm quân phía Bắc cũng bị suy yếu trên một dải đất hẹp từ Karpovka, Marinovka đến Golubinsk. Chỉ ở phía Tây là có thể hy vọng lập được một tuyến phòng thủ... Xin vui lòng cho phép Tập đoàn quân được tự do hành động để thoát vây về hướng Tây Nam và kết nối được với Tập đoàn quân xe tăng 4 bởi nếu tấn công về hướng Tây sẽ khó thành công do địa hình phức tạp và phải đụng độ với một lực lượng lớn của đối phương vừa mới kéo đến
— Paulus, [15]

Tuy nhiên, Adolf Hitler đã ngăn cản ý đồ này bằng một mệnh lệnh yêu cầu Tập đoàn quân 6 (Đức) phải giữ bằng được "Pháo đài trên sông Volga":

Tập đoàn quân 6 chỉ tạm thời bị người Nga bao vây. Tôi đã quyết định tập trung quân đội ở ngoại ô phía bắc của Stalingrad, Kotluban, điểm cao 137, điểm cao 135 và khu vực Marinovka, Tsybenko, phía nam ngoại ô Stalingrad. Quân đội có thể tin rằng tôi sẽ làm mọi việc trong phạm vi quyền lực của tôi để cung cấp và giải vây kịp thời cho các bạn. Tôi biết sự dũng cảm của Tập đoàn quân 6 cùng với chỉ huy của mình và tôi tin rằng nó sẽ làm tròn bổn phận của mình.
— Adolf Hitler, [15]

Friedrich Paulus buộc phải thay đổi ý định, một mặt ông ta tiếp tục sử dụng 7 sư đoàn dồn ép Tập đoàn quân 62 (Liên Xô), mặt khác, rải 7 sư đoàn bộ binh thành một vòng tròn bao bọc lấy ba phía Bắc, Tây và Nam của cụm quân. 6 sư đoàn xe tăng và cơ giới được bố trí ở hai hướng Đông Bắc và Tây Nam. Không còn tin tưởng ở sư đoàn 86 Romania, Paulus dùng sư đoàn này làm nhiệm vụ của công binh và hậu cần thay cho các đơn vị Đức được đưa ra tuyến trước. Sau khi cuộc hành quân giải vây Bão Mùa đông của Cụm tập đoàn quân Sông Đông thất bại, Paulus đã xây dựng Cụm quân của ông ta thành một tập đoàn cứ điểm mà giới quân sự vẫn quen gọi là "Chiến thuật con nhím". Trên địa bàn rộng 170 km2, dựa vào địa hình gồm các dải đồi cao giữa sông Đông và sông Volga, quân Đức đã thiết lập hơn 250 cứ điểm hợp thành 21 cụm cứ điểm, mỗi cụm cứ điểm do một sư đoàn đóng giữ. Việc tiếp tế cho cụm quân này dựa vào hai sân bay chính ở Gumrak, Potomnik và hai sân bay dã chiến và một cầu hàng không do Tập đoàn quân không quân 4 phụ trách nối với các sân bay Salsk, Novocherkash, Tatsinskaya, Likhaya, Bataisk và Rostov, mỗi ngày cung cấp trên 200 tấn hàng các loại.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Cái_Vòng_(1943) http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/K... http://www.columbia.edu/~lnp3/mydocs/culture/Battl... //www.worldcat.org/oclc/154155228 http://www.worldwar2.ro/operatii/index.php?article... http://militera.lib.ru/h/beevor/20.html http://militera.lib.ru/h/beevor/25.html http://militera.lib.ru/h/doerr_h/04.html http://militera.lib.ru/h/doerr_h/07.html http://militera.lib.ru/h/doerr_h/08.html http://militera.lib.ru/h/doerr_h/09.html